Tư tưởng “Thoát Á” của Nhật Bản và những gì sinh viên Việt chúng ta có thể học hỏi họ về việc hoà nhập

Hôm nay, thay vì post trò chơi luyện nghe, mình xin được luyên thuyên 1 chút về tầm quan trọng của việc hòa nhập vào xh phương Tây nói chung và xh Đức nói riêng (đối với DHS tại Đức). Bài hơi bị dài, bạn nào đủ kiên trì để đọc qua hãy thông cảm cho mình nhé. xD
—-
Trong quá trình học lịch sử Châu Âu, song song với việc tìm hiểu về lịch sử VN và Châu Á, có một điều mình không thể không nhận ra, đó là việc Tây Phương tiến đến nền văn minh sớm hơn hẳn Châu Á. Điều này ai cũng biết rõ, nhưng khi học song song về 2 dòng lịch sử, dường như sự thật đó lúc nào cũng đập chan chát vào mắt.

Thời trẻ con, mình luôn rất thích thú khi đọc giai thoại về các vĩ nhân đất Việt: những câu truyện về mưu mẹo & những câu đối chữ của Trạng Quỳnh, Lương Thế Vinh cân voi, Trần Quốc Toản bóp cam… Và tất nhiên, niềm tự hào to lớn của dân tộc VN chúng ta là những vị tướng vĩ đại đã bảo vệ dân tộc trước sự xâm lăng của địch thù từ bên ngoài và luôn quyết tâm dành lại độc lập sau 1000 năm Bắc thuộc và 100 năm Pháp thuộc.

Đó là cho đến khi lên tuổi thiếu niên mình biết được, trước Lương Thế Vinh 1200 năm, Archimedes đã viết ra công thức tính lực đẩy. Cùng thời với Lương Thế Vinh, Christoph Columbus đã khám phá ra Châu Mỹ. Magellan trở thành người lần đầu tiên đi vòng quanh trái đất thành công. Cũng những năm đó, người Châu Âu đã chế tạo ra những khẩu súng đầu tiên. Sau đó là máy in, kính thiên văn, đồng hồ máy, khinh khí cầu, động cơ hơi nước vv. và vv. Đó là chưa kể tới thành tựu của phương Tây trong các lĩnh vực khác như xã hội và kinh tế: các quyền công dân, quyền con người (tự do tôn giáo, tự do ngôn luận…), hệ thống ngân hàng…

Vào giữa thế kỉ 19, khi đất Việt bắt đầu bị Pháp xâm chiếm, toàn Châu Á vẫn chìm sâu trong nền phong kiến, thì trên đất Châu Âu, đường sắt tàu hoả đã kết nối các thành phố lớn với nhau, gần như các quốc gia đều đã có nền quân chủ lập hiến, thậm chí những tư tưởng về dân chủ và bình đẳng xã hội cũng đã rất phổ biến.

Giai thoại đồn rằng, vào năm 1863, sứ giả nước Việt (cụ Phan Thanh Giản) được nhà vua cử sang Pháp để chuộc lại 3 tỉnh bị mất, đã kể lại rằng tại đây đèn đc treo ngược, và nước đc phun lên trên (đài phun nước). Nhà vua đã không thể tin và cho rằng đó là điều bịa đặt, bởi lẽ “quy luật tự nhiên là nước chảy xuống, lửa bốc lên cao, trái lại là nghịch thường”. Không rõ câu chuyện này có chính xác không, nhưng nó phản ánh một sự thật không thể chối cãi, là vào thời đó, Châu Á tụt hậu kinh khủng so với phương Tây.

Mặc dù nhìn thấy rõ độ tiên tiến vượt bậc của phương Tây, nhưng vì tự ái dân tộc, đại đa số các nước Châu Á đều cố níu giữ những tư tưởng phong kiến của mình.

Trừ một nước, đó là Nhật Bản.

Trong khi quan các nước TQ, Triều Tiên, Việt Nam coi nhẹ phương Tây và cho rằng, có chăng chỉ có kỹ thuật của họ mới tiên tiến hơn, còn nhân phẩm thì không thể bằng ta vì giáo dục Tây không biết truyền lại 4 tiêu chuẩn đạo đức (của Nho giáo) là “nhân, nghĩa, lễ, trí”, thì nước Nhật đã có quan điểm hoàn toàn trái ngược: Nhật phải tích cực hướng mình tới nền văn minh phương Tây và bỏ lại đằng sau những tư tưởng Á Đông đã tụt hậu vô vọng.

Một trong những bài viết phản ánh rất rõ lối tư tưởng này của Nhật là “Thoát Á luận” – viết vào năm 1885 và được cho là của Fukuzawa Yukichi (nhà tư tưởng tiêu biểu của Nhật, ông được in hình trên tờ tiền lớn nhất (10.000 Yen) của Nhật). Trong đó, tác giả viết rằng:
***********
“Nền văn minh hiện đại không thể song song tồn tại với truyền thống Nhật Bản”, “giá như chúng ta có tinh thần dân tộc thoát ra khỏi những thói quen cổ hủ của Châu Á để tiếp cận tới nền văn minh phương Tây thì chúng ta đã có thể hoà nhập với nền văn minh phương Tây rồi. Tuy nhiên, thật không may cho Nhật Bản chúng ta, bên cạnh là hai nước láng giềng Trung Quốc và Triều Tiên. […] Cả hai dân tộc không thể không nhìn thấy được sự hiện hữu của nền văn minh phương Tây. Nhưng họ lại cho rằng những điều mắt thấy tai nghe về nền văn minh phương Tây như vậy cũng không làm họ động tâm động não. Suốt hàng nghìn năm họ không hề thay đổi và vẫn quyến luyến với những phong tục tập quán cũ kĩ bảo thủ. Giữa thời buổi văn minh mới mẻ và đầy khí thế ngày nay mà khi bàn luận về giáo dục thì họ thường lên tiếng giữ gìn nền giáo dục Nho học (Hán học), bàn về giáo lý của trường học thì họ chỉ trích dẫn những lời giáo huấn “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí”, và chỉ phô trương coi trọng hình thức bên ngoài giả tạo, thực chất họ coi thường chân lí và nguyên tắc, còn đạo đức thì hung hăng tàn bạo và vô liêm xỉ không lời nào tả xiết, đã vậy họ lại còn kiêu căng tự phụ. […] Theo đánh giá của tôi, trong tình hình lan truyền mạnh mẽ của nền văn minh phương Tây sang phương Đông như hiện nay, hai nước ấy không thể giữ gìn được nền độc lập. ”
***********
(Ai quan tâm có thể đọc cả bài “Thoát Á luận” tại đây: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-01-14-thoat-a-luan )

Việc viết và thực hiện được những dòng như vậy vào năm 1885, phải nói là rất táo bạo và tiên tiến: Để giữ được nền độc lập, thay vì chống đối phương Tây, thay vì bấu víu 1 cách cứng nhắc vào những truyền thống “cha ông ta đã dạy”, người Nhật đã quyết tâm hoà nhập với phương Tây.

Thực tế đã cho thấy đường lối “hướng về Tây phương” của Nhật rất đúng đắn: Sau này, tất cả các nước Châu Á đều bị thực dân phương Tây đô hộ, trừ 2 nước là Nhật và Thái Lan đã theo chính sách mở cửa với phương Tây từ sớm (tuy nhiên Thái Lan đã không có đc tinh thần học hỏi cao như Nhật).

Năm 1889, Nhật công bố hiến pháp Minh trị, là hiến pháp đầu tiên tại Châu Á, được viết dựa trên khuôn mẫu hiến pháp của Phổ (= Preußen, Đức). Khoảng 40 năm sau đó, Nhật cùng “sánh vai” với Đức quốc xã, đi xâm chiếm các nước khác, gây ra Thế chiến thứ 2 tàn khốc. Vào những năm đó, khoa học kỹ thuật của Nhật đã tiên tiến tới mức, có được dàn tàu thuỷ và máy bay chiến đấu hiện đại để vượt Thái Bình Dương, tấn công vào Chân Châu Cảng của Mỹ năm 1941. Thay vì bị đô hộ bởi thực dân, Nhật Bản tự trở thành quốc gia thực dân đi xâm lược các nước láng giềng (trong đó, như ai cũng biết, có Việt Nam).

Nhiều người Việt thán phục quá trình phát triển kinh tế của Nhật sau khi bị Mỹ ném 2 quả bomb nguyên tử. Và đúng là Nhật đáng đc thán phục thật. Nhưng thực ra quá trình vươn lên của Nhật (hay của Đức) sau Thế chiến thứ 2 không có gì đáng ngạc nhiên, nếu ta nhìn vào quá trình phát triển nhiều năm trước đó của họ.

Tua đến năm 2016 và nhìn lại Châu Á, ta có thể thấy rằng, gần như tất cả các nước tích cực học hỏi theo phương Tây đều trở thành những quốc gia giàu có. Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore dù đi sau Nhật nhưng rồi cũng đã “thoát Á”.

Và nhìn lại đất nước Việt: mặc dù lòng tự hào dân tộc của chúng ta cao chót vót, nhưng trên thực tế, VN là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Theo thống kê của World Bank, thu nhập bình quân đầu người của VN còn thấp hơn cả Nigeria, thấp hơn nhiều so với Angola, Libya, Marokko, Namibia…(tức những nước ở Châu Phi…)

Chúng ta có thể để tự ái dân tộc lấn át và phủ nhận điều này, hoặc chúng ta có thể nhìn vào sự thật. Rằng mặc dù chúng ta giỏi chống xâm lăng, nhưng chúng ta kém cỏi trong khoản hoà nhập và học hỏi chính những dân tộc đủ mạnh để xâm lăng nước ta. Chúng ta tự hào vì đã chống đc Pháp, Nhật, Mỹ giàu có… nhưng lại không tích cực học hỏi theo họ để có thể giàu mạnh y như vậy. Nhiều người tự an ủi rằng dù sao nước ta cũng hơn Lào, Campuchia… rồi thì dù sao dân ta cũng mua được xe máy để đi lại, tivi để xem phim Hàn, tủ lạnh để đựng thức ăn (tự sản xuất ra những thứ đó thì lại là vấn đề khác, ta không quan tâm) và còn nhiều nước cũng nghèo nàn như ta mà.

Sự yếu kém trong khả năng hoà nhập của VN có lẽ được phản ánh rõ rệt nhất trong việc phổ biến kỹ năng ngoại ngữ tại VN. Ngoại ngữ là chìa khoá ra thế giới, là phương tiện để tiếp cận kho tàng kiến thức đồ sộ của phương Tây, đồng thời là phương tiện để giao thương. Những ai hay đọc sách báo và sử dụng qua Google bằng nhiều ngôn ngữ sẽ đều biết, kho tàng thông tin viết bằng ngôn ngữ của các quốc gia phát triển như Anh/Mỹ, Đức, Pháp chứa đựng nhiều kiến thức hơn hẳn Google hay sách báo tiếng Việt. Vậy nhưng, năm 2015, điểm tốt nghiệp cấp 3 môn Ngoại ngữ của hs VN lại thấp nhất trong tất cả các môn (http://vnexpress.net/photo/tuyen-sinh/pho-diem-thi-thpt-quoc-gia-nam-2015-3253155.html).

Chương trình giáo dục sai lạc là lỗi của tầng lớp lãnh đạo VN. Nhưng lãnh đạo VN là ai? Họ cũng từng thuộc lớp trẻ của “dân”, từng là những sinh viên như chúng ta ngày hôm nay.

Nhiều người trong chúng ta sẽ là tầng lớp lãnh đạo của ngày mai. Sự thay đổi nào trong một xã hội cũng phải được khởi xướng bởi tầng lớp trí thức ưu tú. Tất cả chúng ta trong group này đều là sinh viên, tức tầng lớp may mắn được ăn học của xã hội. Không những đc ăn học, các bạn trong đây còn có được cơ hội du học ở Đức – du học miễn phí! Chưa bao giờ việc tiếp cận với nền văn minh phương Tây dễ dàng hơn ngày nay. Thời xưa những người như Fukuzawa Yukichi hay cụ Hồ muốn tiếp cận phương Tây phải vượt đại dương bằng tàu thuỷ. Thời nay, chúng ta có máy bay, Internet…

Vì vậy, hãy trân trọng những may mắn của các bạn và đi du học với tinh thần học hỏi văn minh của phương Tây. Học cho thật “chất”, thật đáng. Đừng đi du học -chỉ- để “lấy cái bằng xịn của nước ngoài, về VN hơn bạn hơn bè, dễ kiếm được việc lương cao”. Cách nghĩ như vậy hơi thiển cận. Đó là việc “phô trương hình thức bên ngoài giả tạo” được nhắc tới trong bài “Thoát Á luận” của Nhật. Có lẽ vì vậy nên những vĩ nhân tiêu biểu trong nền phong kiến Việt, ngoài việc chống xăm lăng, họ chỉ nổi tiếng vì “đối chữ hay”, “cân voi”, “bóp cam”, chứ không có những thành tựu gì thực sự đáng kể. Nước Việt chúng ta có nhiều giáo sư tiến sĩ nhất Đông Nam Á, cao gấp 5 lần Nhật Bản và gấp 10 lần Israel, nhưng đến cái ốc vít cho Samsung cũng ko sx được. Văn hoá Việt của chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn từ tư tưởng Nho giáo, nặng về hình thức, và ta cần ý thức được điều này, để cắt bỏ những tư tưởng cổ hủ, chỉ giữ lại những tư tưởng có ích. Chúng ta cần phải “thoát Á”.

Sinh viên VN sang Đức du học, có quá nhiều người ở đây nhiều năm vẫn không thạo tiếng, có quá nhiều bạn sang chỉ để “học mặt chữ” (tức là học vẹt kiểu đối phó để cho qua, để được cái bằng, chứ không học để thực-sự-hiểu và áp dụng đc kiến thức mình học). Có quá nhiều bạn được trường cho cơ hội đi thực tập, nhưng thay vì đi thực tập ở Đức để học hỏi cách làm việc tại đây, thì lại dùng thời gian vàng ngọc đó về VN chơi để xin cái giấy chứng nhận thực tập từ người quen. Cái gì không thực chất thì mãi sẽ chỉ là hình thức, danh hão. Chúng ta không nên dại dột ảo tưởng rằng, có được tấm bằng tốt nghiệp của nước ngoài là đã nắm được kiến thức tiên tiến của phương Tây. Trước khi có thể đóng góp được gì đó cho xã hội, ai ai trong chúng ta cũng phải trải qua quá trình tích lũy. Nếu bạn thực sự muốn học hỏi từ phương Tây, hãy cố làm việc tại nước ngoài vài năm. Sinh viên TQ và Ấn Độ sang Đức, đại đa số đều cố làm việc nhiều năm tại đây trước khi quay về nước, bởi họ hiểu rằng, lý thuyết suông không mang lại gì. Muốn “ăn cắp” công nghệ của Đức, phải làm cho công ty hoặc viện nghiên cứu của Đức nhiều năm. Muốn hiểu được cách thức tổ chức xã hội của Đức, bạn phải sống nhiều năm trong đó và tích cực tìm hiểu về xã hội của họ.

Theo mình, tích cực hoà nhập vào xã hội phương Tây sẽ luôn có ích, không kể là một người muốn định cư tại Đức hay muốn về VN đóng góp. Thật sự thì phương Tây nói chung (và nước Đức nói riêng tại đây) có rất nhiều thứ để ta có thể học hỏi. Từ khoa học kĩ thuật, cho đến luật pháp, cách thức họ tổ chức xã hội, tư tưởng đường lối chính trị, cho đến cách thức sắp xếp quy trình làm việc, ứng dụng công nghệ… khía cạnh nào cũng có thứ để ta học hỏi.

Hãy ý thức được rằng, nước Đức đi trước chúng ta gần 200 năm. Trong khi năm 1835 nước họ xây đc đường sắt tàu hoả, năm 1883 đã có bảo hiểm y tế nhà nước (AOK), 1885 chế ra chiếc oto đầu tiên, và giờ đây là nước công nghiệp giàu có đứng đầu liên minh Châu Âu, máy móc/robot thay thế sức người ở nhiều lĩnh vực, luật pháp chặt chẽ tinh vi, tổ chức xã hội quy củ… thì VN ta vẫn là quốc gia nông nghiệp với 65% dân số làm nông, chỉ số năng lực cạnh tranh đứng bét ASEAN, và nhiều vùng vẫn còn “con trâu đi trước cái cày đi sau”.

Khi bạn gặp phải lối suy nghĩ hoàn-toàn-khác so với những gì bạn học được trước đây, hãy cố tìm hiểu để biết được tại sao họ nghĩ như vậy. Đừng vội chê bai đất nước bạn tới du học trước khi bạn kịp trau dồi kiến thức uyên thâm về đất nước và xã hội của họ. Đừng vội coi thường mấy đứa Đức chữ xấu như gà bới, điểm thấp lè tè. Chưa chừng điểm thấp nhưng họ lại hiểu kiến thức sâu và rộng hơn ta. Dù sao đó cũng là những con người lớn lên trong 1 xã hội tiên tiến, với bậc cha mẹ, ông bà cũng đã lớn lên trong một xh tiên tiến. (Mình từng coi thường 1 đứa Đức nhà quê học siêu dốt, để rồi một lần thảo luận bài học, nó ngạc nhiên khi thấy mình ko biết đến cách thức… tự động hoá chức năng đóng mở chuồng gà theo cường độ ánh sáng mặt trời. Đó là 1 trong những khoảnh khắc làm mình thấm thía về sự khác biệt giữa nước công nghiệp vs nông nghiệp.)

Muốn tiếp thu được kiến thức nâng cao, tất nhiên phải thạo ngôn ngữ. “Thạo” ở đây có nghĩa là phải nghĩ được bằng tiếng Đức hoặc/và tiếng Anh, hiểu được kiến thức nâng cao được giảng dạy tại đại học, và tranh luận đc trôi chảy với bạn bè, giáo sư. Vì nền giáo dục của nước ta chú tâm quá ít vào ngoại ngữ nên đây là một yếu điểm của sinh viên Việt Nam nói chung. Ý thức được sớm những điểm thiếu sót của mình sẽ giúp ta khắc phục đc những điểm này một cách tích cực hơn.

Ý thức những điểm yếu của chính mình không phải để tự ti, sợ hãi, buồn chán. Mà là để chúng ta có thể tự tin hoà nhập, mở lòng với phương Tây, và học hỏi một cách tích cực từ những xã hội đã đi trước ta nhiều năm.

Giống như người Nhật đã làm vậy.

——-
Hoang Ha Phan​